CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Mẹ, thơm một cái


Phan_8

17/12/2004

Mấy hôm trước, nhà văn Xuân Tử gọi điện thoại cho tôi. cô ấy gần đây hay làm vậy. cô nói không chỉ người ốm cần động viên, người đồng hành cùng người bệnh cũng cần sức mạnh động viên. Nhất là sau khi đọc tự truyện đồng hành cùng mẹ này của tôi, cô thấy cảm động và hy vọng có thể làm điều gì đó.

nói khá nhiều chuyện. Xuân Tử nhắc tới những thứ cô từng nghĩ lung tung trong thời gian trầm cảm trước đây. Trong đó có triết lý ma quái về cái chết, rất kinh khủng, nhưng cũng kinh khủng một cách thú vị. Đại khái là, loài sâu róm không biết cái chết là gì, cũng không biết việc hóa bướm là lịch trình cố định của vòng đời mình. Sâu róm nghĩ, biết đâu cái gọi là chết, chính là con bướm diễm lệ sau khi phá vỡ quan tài là cái kén. Cái chết chẳng qua là một hình thái khác, hoặc, trở nên một bản ngã mới tốt đẹp hơn.

Sau đó tôi liên tưởng tới họa sĩ truyện tranh kinh dị Ito Junji, có một truyện rất ngắn là Triết lý ma quỷ, rất tà ác. Trong trường truyền tai nhau có một thứ triết lý hễ nghe xong sẽ bị mê hoặc, sinh ra ý nghĩ tự hủy diệt, thế là học sinh liên tiếp tìm các phương pháp để tự sát.

Nhưng trong toàn bộ câu chuyện đó không hề nhắc đến nội dung triết lý khiến mọi người tò mò kia. Tôi nghĩ có 3 khả năng, một là Ito Junji vốn không hề nghĩ ra một triết lý có sức thuyết phục mạnh mẽ như vậy. Hai là, dù có sức thuyết phục lớn cũng không thể thuyết phục mọi loại độc giả, cho nên thà không viết ra còn hơn. Thứ ba, cũng là khả năng lớn nhất, đó là hoàn toàn không cần thiết.

Tôi nói với Xuân Tử, nếu Ito Junji nghe thấy những thứ cô tâm sự, không chừng sẽ sử dụng cũng nên.

Có thể là sự sống quá đẹp đẽ, nên đối với triết lý về cái chết, tôi chỉ có mấy từ đơn giản: “đừng vội chết làm gì.”

Nếu chắc chắn có thể hóa thân thành bướm, thì càng phải biết tận hưởng những cay đắng ngọt bùi khi làm sâu róm, bởi vì bướm sẽ không biến trở lại thành sâu róm được nữa, không còn cơ hội cảm nhận thêm lần nữa những mùi vị cuộc đời của sâu róm.

Suy nghĩ này cũng giống như tình yêu.

Cho dù biết rõ người đó không phải một nửa đích thực của mình, cũng nên yêu chân thành.

Bởi vì ta chỉ có thể yêu người ấy một lần thôi.

—Bây giờ là 9 giờ 26 phút. Anh cả đi chơi với người yêu, tôi ngồi hoàn thành cuốn tiểu thuyết điện thoại di động thứ bảy trên giường phụ.

Hôm qua mẹ bắt đầu đọc một cuốn sách: Từ bệnh sắp chết đến chạy maraton, tác giả lấy bút danh là bác sĩ Aegerter. Sách kể về quá trình điều trị của một bác sĩ mắc bệnh ung thư máu. Nội dung rất sinh động, không chỉ đơn thuần mô tả quá trình điều trị. Trọng tâm là vị bác sĩ đã giành thắng lợi cuối cùng, còn chạy được maraton để khoe thể lực, vì vậy được chúng tôi xếp vào loại “sách tốt đẹp”.

Nhưng vừa xong, trước khi ngủ, mẹ ngồi trên giường bỗng nức nở khóc rất yếu đuối.

Tôi hoang mang, ngồi xuống sát bên cạnh ôm lấy mẹ, đưa giấy vệ sinh.

“Mẹ ơi, sao thế... cả nhà đều yêu mẹ lắm.” Tôi xoa nắn vai mẹ.

“Tự nhiên rất muốn khóc.” Mẹ nói, người co ro.

Trong sách rất hay nói đến bệnh nhân trước khi đi ngủ thường rơi vào trạng thái dễ suy sụp, bởi vì sự yên tĩnh vào thời điểm đó dễ khiến người ta nghĩ quẩn nhất.

Tôi đoán có lẽ đây là nguyên nhân?

Nhưng mẹ vừa khóc vừa nhắc tới một đoạn trong sách, nói về “phương pháp quan niệm sóng biển” tác giả lĩnh hội từ sách nhà Phật.

Tưởng tượng bản thân đang ngồi bên bờ biển, ngắm sóng biển. Sóng biển xô vào bờ hết lớp này đến lớp khác. Ta biết sóng cứ xô mãi, nhưng ta không nhất định phải có phản ứng gì. Tự ta quyết định có phản ứng với nó hay không. Phương pháp này có hai điều quan trọng: thứ nhất không nên nghĩ đến việc xóa sổ những con sóng biển liên tục ập đến trước mặt ta, bởi vì muốn xóa cũng chẳng được; thứ hai, bình thản quan sát chúng, không nhất thiết phải có phản ứng với chúng...

Tôi buồn bực, đoạn này có gì đáng khóc?

“Lúc xem kết quả xét nghiệm, mẹ ở dưới nhà, không dám khóc, đành lên tầng bốn mới khóc, ba cũng khóc ở tầng hai, khóc to lắm… Mẹ chưa bao giờ thấy ba khóc như vậy, tự nhiên thấy ba đáng thương lắm.” Người của mẹ run run.

“Vâng, ba rất đáng thương, cũng rất ăn năn. Ở nhà bây giờ ba toàn nói với bọn con vào bệnh viện phải động viên mẹ thật nhiều, để mẹ thêm lạc quan, thêm cứng cỏi.” Tôi nói.

“Mẹ chỉ nhớ cảnh hồi xưa với ba ở bên bờ biển, nhìn sóng vỗ bờ liên tục.” Mẹ vẫn khóc.

Hóa ra là vậy.

Mẹ thật đáng yêu.

“Vâng, sau đó ăn trái cây với nhau đúng không?” Tôi nhớ lại.

“… sao mày biết?” Mẹ khựng một cái.

“Mẹ kể với con rồi mà, mẹ đem theo trái cây, để trong hộp cơm, đúng chưa nào?” Tôi cười, lúc này đâu phải lúc khóc.

Mẹ gật gật đầu nói, đó là hồi mẹ học trung cấp hộ lý ở Cơ Long, ba đến thăm mẹ vào một ngày nghỉ.

Chỗ đấy hình như tên là núi Ngoại Mộc. Kết quả nhiều năm sau mới biết là một chuyện hiểu lầm đẹp đẽ, chỉ có điều không biết bãi biển tên gì. Mẹ tiếp tục nói về chuyện hồi đó.

“Hồi đó ba có lớn hơn con bây giờ không?” Tôi hỏi.

Mẹ lắc đầu nghĩ ngợi.

“Hồi đó có lẽ chỉ hai mươi hai tuổi.” Giấy vệ sinh ướt đẫm trong tay mẹ đã nhiều đến bết cục lại.

“Ồ, nhỏ hơn cả thằng út.” Tôi nói, thật khó tưởng tượng.

Thế rồi, mới ra ba thằng chúng tôi.

Đó là cuộc đời của mẹ.

Mẹ nguôi khóc, bảo tôi nhỏ thuốc mắt rồi đi nghỉ, cố thử ngủ.

Giường bên cạnh đang mở đại hội phê phán về điều trị y khoa trong phạm vi họ hàng, ghế ngồi thành vòng, may thay âm thanh cũng cố kiềm chế.

Tôi mượn cớ ra ngoài uống lon cà phê và hỉ mũi. Vừa ra khỏi phòng bệnh lập tức gọi điện thoại cho ba.

“Ba ơi, mẹ mới nhớ lại chuyện ba mẹ ăn trái cây với nhau bên bờ biển, mẹ khóc mãi.” Tôi rất xót xa.

“À, núi Ngoại Mộc.” Ba lập tức trả lời.

“Mẹ nhớ ba lắm, tiệm đóng cửa xong ba có thể đến thăm mẹ một lát không?” Tôi hỏi.

“Ừ, ba đã định đi rồi.”

không lâu, ba đóng tiệm sớm, vạch tấm rèm ra, nắm chặt lấy tay mẹ.

Tôi xuống dưới lầu ăn bánh bao xá xíu, để cho hai vợ chồng già hò hẹn trong không gian hai mét vuông.

Chuyện kể thêm

Sau khi ba về, mẹ vui mãi, thế là mất ngủ.

“Thôi thì dậy khiêu vũ cho rồi.” Mẹ nói, chân đá đá.

“Chi bằng ra phòng hộ lý ăn vụng đồ ăn.” Tôi nói.

Sau đó bắt buộc mẹ mau ngủ đi.

Sáng sớm mẹ hắt hơi, xì ra được cục vảy làm khổ mẹ suốt bốn tuần qua.

Cục vảy đó rất tệ, từ vết thương hết sức khó lành đến lúc hình thành lớp vảy là một quá trình cực kỳ chậm chạp. Nó cản trở hô hấp, nhất là bôi thuốc xong không được động chạm. Rất ngứa, nên mẹ hay không kìm được lấy tay móc nó, để bị chúng tôi trách mắng, nói mẹ nghịch bướng.

Có lúc tôi dùng tăm bông thấm ướt làm sạch nó, lôi ra được một thứ kỳ dị là tổng hợp của thuốc mỡ tích tụ lâu ngày và gỉ mũi đặc khô.

Cục vảy bị bật ra, ai cũng vui mừng. Cho là chuyện khoan khoái nhất trong ngày.

Lúc tôi đổi ca cho anh cả, mẹ hân hoan khoe ra túi ni lông đựng cục vảy đó. Lúc ba đến, mẹ lại khoe lần nữa.

Tôi bèn dùng máy ảnh chụp lại, một kỷ lục quý giá.

20/12/2004

Mấy hôm nay xảy ra nhiều việc tạm thời chưa thể nói với mẹ. Nếu in ra cho mẹ đọc trên giường bệnh, thì toàn bộ phần ghi chép này cũng phải bỏ đi.

Chuyện mẹ bị bệnh lâu nay phải giấu ông ngoại, vì ông ngoại chăm sóc bà ngoại bị ung thư tụy đã suốt đêm ngày mệt mỏi, không được làm ông thêm lo lắng. Mẹ phải nói dối là thiếu máu nghiêm trọng cần nằm viện truyền máu một tháng. Trong thời gian này, phải xin lỗi ông ngoại vì mẹ không qua giúp chăm bà ngoại được.

Nhưng ông ngoại cũng đồng thời có chuyện giấu mẹ.

Bà ngoại mất rồi.

Người ung thư máu thường chết vì hai nguyên nhân. Thứ nhất là điều chúng tôi thường lo sợ - nhiễm trùng, chuyện này không cần nói nhiều. Thứ hai là một triệu chứng rất đáng sợ: xuất huyết trong.

Dùng ngôn ngữ đơn giản nhất để giải thích. Chất dinh dưỡng được hấp thụ vào cơ thể sẽ được tủy sống sử dụng để tạo máu. Ba thành phần chính của máu gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu đều sử dụng các dưỡng chất nói trên. Nhưng khi tình hình bạch cầu tăng quá mạnh, sẽ ăn mất hầu hết dinh dưỡng, dẫn đến hiện tượng hồng cầu quá thấp thường thấy ở bệnh nhân ung thư máu, hay cũng gọi là chứng thiếu máu. Đương nhiên lượng tiểu cầu của bệnh nhân ung thư máu cũng rất thấp. Những va chạm thông thường gây vỡ mao mạch dưới da nhưng tiểu cầu không đủ để giúp bù đắp phục hồi, nên hình thành những vết thâm quầng lâu không tan. Trước kia mẹ ho ra máu, cũng là do nguyên nhân mao mạch ở phổi quá yếu.

Thiếu tiểu cầu rất dễ gây ra xuất huyến nội ồ ạt. Nếu hỏi xuất huyết nội sẽ thế nào, chỉ có thể nói là rất tệ. Tâm trạng bị dao động quá mức, huyết áp lên cao, bùm! Xuất huyết não, tiếp theo là gì tôi không muốn nói. Ngay cả nếu ngồi tàu lượn siêu tốc, đu quay mạo hiểm v.v... cũng đều có thể nguy hại tính mạng.

Vì vậy, tạm thời chúng tôi phải giấu mẹ tin bà ngoại qua đời. Mấy hôm nữa chờ xem kết quả xét nghiệm máu (tiểu cầu ơi, cho tôi van vái xin thật nhiều thật nhiều tiểu cầu), lựa thời điểm mọi người đều có mặt, và chọn thời điểm phù hợp, mới được thông báo cho mẹ. Địa điểm phù hợp dĩ nhiên phải là trong bệnh viện, nếu mẹ bị tăng huyết áp có thể cấp cứu ngay.

Nhưng chúng tôi bàn đi bàn lại, vẫn kết luận không nên để mẹ đi viếng bà. Ba nghi lễ quan trọng hôm đó đều xung với tuổi Thìn năm mươi ba tuổi của mẹ. Lo lắng cho tâm trạng của mẹ nên chúng tôi càng không dám mạo hiểm. Hơn nữa lúc bà ngoại lâm chung được biết tình hình của mẹ (ông ngoại cũng lúc đó mới biết), đã mỉm cười gật đầu nói hiểu rồi và thông cảm cho mẹ lúc này không thể ở bên bà ngoại.

“Cháu sẽ quyết định tùy theo tình hình, mặc dù nói vậy rất ích kỷ, nhưng mẹ là mẹ của cháu.” Anh cả nói vậy.

Ông ngoại và cậu mợ họ hàng nghe anh cả nói vậy đều tỏ ra ủng hộ. Chỉ lo lắng một điều, nếu mẹ kiên quyết muốn đến gặp mặt bà ngoại lần cuối, thì anh em tôi phải khuyên nhủ cách nào.

Phức tạp quá. Làm thế nào cũng không thể vẹn toàn mọi mặt.

Sau đó là tôi.

Tối hôm bí mật đi xe cùng anh cả đến Đào Viên cúng tuần cho bà ngoại, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về “gia đình”.

Gia đình thật ra là một khái niệm rất ích kỷ, bề ngoài có vẻ như mọi người cùng chia sẻ tình yêu “gia đình”, nhưng lại thực tế chỉ giới hạn trong quan hệ máu mủ, hoặc chỉ bó hẹp sự quan tâm, tập trung, ấm áp dưới phạm vi một mái nhà. “Ích kỷ” như vậy vốn không xấu, bởi vì con người ta trước khi biết quan tâm người khác, cái ích kỷ của gia đình là nơi cho phép mỗi người được yêu thương một cách hiệu quả nhất, sau đó mới học được cách yêu người khác.

Nhưng từ nhỏ tôi không phải là con người ích kỷ.

Lo sợ làm mất lòng người khác đã sớm trở thành một bộ phận rất ngụy quân tử trong tính cách của tôi. Nếu có thể, tôi luôn muốn làm cho tất cả những người tôi quan tâm đều cảm thấy tôi đã rất cố gắng mang lại niềm vui và sự động viên cho họ. Nếu không làm được như vậy, tôi sẽ cảm thấy mình mắc nợ, và tìm cơ hội để bù đắp.

Nhưng, không thể không nợ ai.

Đành phải đày đọa bản thân, sao cho nợ nần ít đi, làm cho sự hy sinh trở thành con người mình. Hy sinh kiểu đó không hề vĩ đại, bởi vì khi một người tự cho rằng đã rất hy sinh, chắc chắn có người đang lặng lẽ hy sinh theo họ.

Nghĩ ngợi rất nhiều, rồi ngủ thiếp đi trong trạng thái trống rỗng. Chiều hôm sau tôi về đến Bản Kiều. Theo kế hoạch, tôi bắt đầu đóng gói tất cả đồ đạc để dọn về Chương Hóa.

Buổi tối là buổi hò hẹn quý giá với Chó Xù. Chúng tôi đã trở thành cặp trai gái tội nghiệp cách hai tuần mới gặp nhau một lần.

Nhưng ngay từ lúc gặp Chó Xù ở Shin Kong Mitsukoshi trước ga Đài Bắc, tôi đã cảm nhận giữa hai người như có một bức tường ngăn không thể gần gũi. Khoảng cách đó chính Xù cũng cảm nhận được, nhưng hai đứa đều không thể phá vỡ, đành tiếp tục trong không khí ngột ngạt.

Tôi nghĩ không cần thiết phải trình bày quá rõ ràng về phần tình yêu, bởi vì người ngoài khó có thể cảm nhận được ngọt bùi cay đắng bên trong, cũng như nỗi niềm bất lực trước khó khăn mang tính cấu trúc. Vì vậy tôi sẽ không nói thẳng về rất nhiều những tính toán rất thực tế sau này.

Ăn qua loa một bữa tối cực kỳ tệ hại xong, theo lời hứa ngọt ngào nhân dịp tôi đoạt giải tiểu thuyết, tôi tặng Xù một cái dây chuyền kim cương Just Diamond. Đây là món quà đắt giá nhất mà tôi từng tặng Xù, đắt hơn cả ipod mini tặng Xù ba tháng trước.

Nhưng xem ra Xù không vui, còn tôi tiếp tục lặng lẽ.

Hai đứa ngồi ở góc ngoặt cầu thang trong trung tâm mua sắm, trên cái ghế băng, nói chuyện nhát gừng về bệnh tình của mẹ, và về việc vì sao chúng tôi trở nên không thoải mái.

“Chồng, nhắm mắt lại.” Xù nói có quà tặng cho tôi.

Tôi nghe lời, sau đó mở mắt ra.

Trong lòng bàn tay có một cái móc khóa có hình Lý Tiểu Long bằng cao su.

Tự nhiên không kìm được, tôi bật khóc. Trong hơn hai chục giờ đồng hồ tính từ lúc đó, nước mắt gần như không thể ngưng ngoai.

thật vui, vì đến lúc này mà Xù vẫn còn nhớ thứ tôi ưa thích.

“Xù, được rồi đó.” Tôi ngừng khóc lóc, chăm chú nhìn em.

Phải, được rồi.

Tình yêu của chúng tôi, đã đến lúc.

“Tại sao thành ra như vậy?” Xù khóc, nhưng cũng không phản đối.

Từ trước khi nói thẳng, giữa hai chúng tôi đã có một sự ngầm hiểu đầy đau khổ.

“Em không thấy à? Tơ hồng nối giữa bọn mình đứt rồi.” Tôi chảy nước mắt, bắt đầu nói, chúng ta không yêu nhau được nữa, lý do rất thực tế.

Xù rất yêu tôi, cực kỳ cực kỳ yêu tôi, nhưng Xù rất ích kỷ.

Tôi rất yêu Xù, cực kỳ cực kỳ yêu Xù, nhưng tôi rất ích kỷ.

đã đến lúc Xù nên có một tình yêu thoải mái vui vẻ và gần gũi. Bảy năm qua, những ngày tháng chúng tôi vất vả đường xa đi đi lại lại, giờ sắp sửa kết thúc. Nỗi vất vả của Xù trong đó lớn hơn của tôi rất nhiều, cô ấy đã hiện thực hóa lý tưởng của mình về tình yêu bằng một năng lực phi thường. Trong khi tôi còn chưa cả đi nghĩa vụ quân sự, không có cách nào rút ngắn được khoảng cách về không gian và thời gian.

Lúc này tôi nên tập trung chăm sóc mẹ.

Trong một tương lai xa hơn, tôi phải ở gần hơn nữa bên gia đình mình. Cái sự gần đó rất ích kỷ, rất giằng xé. Chính vào lúc tôi yêu Xù nhất thì xuất hiện vấn đề chuyển biến trong tình yêu hai đứa. Nhưng không có ai đúng ai sai.

“Mối duyên chúng mình kết là thiện duyên, không ai nợ ai, kiếp sau ta cùng trả ơn nhau nhé.” Tôi nhắm mắt.

Nắm chặt tay, đặt nhẹ nhàng lên ngực.

Sau đó, chuyển sang đặt lên ngực của Xù.

“Kiếp sau đổi thành anh cố gắng để ở bên em nhé.” Xù khóc.

Xù luôn ước được tôi tặng một con gấu to để ôm.

Bây giờ tôi đã tặng, cho cô ấy chọn một “gấu” khác. Đủ độ cao to.

Chúng tôi hứa sau này vẫn làm bạn tốt của nhau, cùng nhau xem phim vì đây là sở thích chung hiếm hoi; cùng thảo luận về truyện mới của tôi, để tránh cho Xù trở thành ngốc nghếch; nếu Xù với “gấu” đẻ ra đứa con trên đầu có chỏm tóc vàng, thì tên ở nhà vẫn phải gọi là “Puma”.

Dưới tòa nhà trung tâm mua sắm, chúng tôi không thể kìm lòng, ôm nhau thật chặt.

Điểm bán ô tô gần đó đang bật bài hát cũ tiếng Anh Let it be. Nhạc nền thật là hợp tình hợp cảnh, rất giống hình ảnh lãng mạn nhất, xúc động nhất cuối mỗi bộ phim tình cảm.

“Anh rất yêu em, thực sự rất yêu em... trên đời này người anh yêu nhất chính là em và mẹ...” Tôi khóc không ra tiếng.

“Chồng, nếu mẹ khỏi bệnh, nhất định phải thử theo đuổi em một lần nữa nhé.” Xù khóc, toàn thân run bần bật. Đây là câu nói dở người nhất mà tôi nghe thấy đêm nay, nhưng tôi biết làm sao?

Xù nhận lời chúc phúc cuối cùng của tôi. Trong nền nhạc Yesterday, chúng tôi nắm tay nhau ra về.

Bức tường giữa hai đứa biến mất.

“không có chia tay nào hạnh phúc hơn thế này.” Tôi nói, Xù đồng ý.

Chúng tôi cùng trở về căn nhà trọ ở Bản Kiều, dọn dẹp đồ đạc, nhìn lại một lần nữa những kỷ niệm đã qua.

Mặc dù chia tay hạnh phúc, nhưng hai đứa đều buồn bã, khóc sưng cả mắt. Mãi đến 2 giờ sáng, tôi ở trên giường giúp Xù ngoáy lỗ tai lần cuối, bấy giờ Xù mới mệt mỏi ngủ thiếp đi.

Sáu năm và mười tháng yêu thương và nhung nhớ, đều có ý nghĩa quan trọng đối với nhau, đồng hành chia sẻ với nhau một giai đoạn trưởng thành đẹp nhất trong đời người, cùng nhau vẽ nên tấm bản đồ cuộc sống bao hàm hai chữ “bên nhau.”

Bên nhau.

Nhưng không thể tiếp tục bên nhau nữa.

một tình yêu đầy ắp. Và một tình thân gắn bó suốt đời này.

Đối với những điều đã từng quan trọng, tôi rất sợ mình sẽ lãng quên. Nhiều bạn bè lầm tưởng tôi có trí nhớ siêu phàm, nhớ rõ ràng rất nhiều chuyện xảy ra từ hồi nhỏ, thậm chí còn thuộc cả đối thoại và khung cảnh lúc đó.

Nhưng sai rồi, sai vô cùng.

không phải trí nhớ tôi tốt, mà là tôi thường xuyên hồi tưởng, thường xuyên chiếu đi chiếu lại trong đầu óc những hình ảnh mà tôi không sao dứt bỏ được. Vì thế muốn lãng quên thực sự rất khó.

Nhưng Xù thì ngây thơ thật thà, trí nhớ không tốt lắm. Trước đây mỗi lần nói về chuyện cũ, tôi thường phải bổ sung cả bối cảnh, Xù mới sực nhớ ra.

“Việc ghi nhớ những li những tí giữa hai đứa mình thì giao cho anh nhé. Anh sẽ bảo quản rất tốt.” Tôi nói, chẳng còn cách nào khác.

Sáng sớm ra, Xù đi dạy học, tôi nằm một mình trên giường hồi tưởng lại bao nhiêu thay đổi quanh tôi từ khi mẹ bị bệnh, bên trong chứa đựng rất nhiều sự tình cờ.

Từ trước đã hứa với Xù, sẽ tặng cô ấy cái dây chuyền đính kim cương mà Xù rất thích, mặc dù tôi thà tặng cô ấy các sản phẩm điện tử đắt tiền khác để thay thế; song đêm trước khi chia tay, ngẫu nhiên lại thực hiện được ước nguyện của Xù.

Từ trung học cơ sở, xe đạp đã thường xuyên đi ngang quán cà phê Khoảnh Khắc Nồng Say gần tiểu học Dân Sinh. Quán đó tường ngoài ốp đá trắng, rất đẹp, buổi tối ánh đèn vàng ấm áp rọi qua các ô thủy tinh ra ngoài. không khí bên trong chắc chắn rất lãng mạn. Hồi đó tôi đã có một tâm nguyện, nhất định phải uống trà chiều với người con gái mình yêu nhất trong đời, nhưng mãi vẫn chưa đạt ước nguyện, bọn họ đều bỏ rơi tôi rất thảm hại. Khó khăn lắm mới gặp được Xù, nhưng mấy lần Xù đến Chương Hóa chơi thì tôi lại quên mất việc này. Mãi đến hai tuần trước đây, Xù đến Chương Hóa thăm mẹ, tôi mới sực nhớ ra, chở Xù đến quán cà phê Khoảnh Khắc Nồng Say mà chính tôi cũng chưa từng bước chân vào. Giấc mơ đã thành sự thật.

Ai ngờ giấc mơ thành sự thật khi đã đến hồi kết thúc.

Nghĩ đến đây, rất khó ngủ tiếp.

Năm 2004, quá nhiều quá nhiều điều cực xấu và cực tốt. Về mặt tình cảm, hợp hợp tan tan với Xù, bà ngoại ung thư qua đời, thằng Thác chết đột ngột, mẹ mắc bệnh. Về mặt sáng tác, lần đầu viết kịch bản, lần đầu từ chối viết kịch bản, bán được bốn bản chuyển thể nguyên tác, xuất bản sách ở Đại lục, đoạt giải tiểu thuyết một triệu...

Bao nhiêu khó khăn mệt mỏi, gửi cho Xù một tin nhắn: “Lòng rất trống trải, nhưng em có chìa khóa của lòng anh, có thời gian thì hoan nghênh em đến ở vài ngày, bầu bạn với người con trai chỉ cần gọi tên em là thấy được niềm hạnh phúc.”

Xù gửi tin nhắn từ trường: “Anh luôn ở trong tim em, em sẽ luôn bên cạnh anh. Ôm chặt. Mưa đang to lắm, khóc hết tất cả giùm em... Anh yêu em nhất, em hiểu. Chỉ thế thôi đã hạnh phúc rồi! yêu anh, yêu anh lắm...”

Người thực sự hạnh phúc, trước nay vẫn là tôi.

Dọn dẹp sắp xếp xong thùng đồ cuối cùng, tôi viết một bức thư đặt trên bàn, để lại ba thứ.

Xù ơi:

Muốn để lại ba thứ này cho em, mong em âm thầm cất giữ.

Vé đi bơi mãi chưa dùng hết.

không được quên ai đã dạy em thở, gọi em là rùa biển nhỏ.

một cái móc tai, móc ra hết những dịu dàng bên nhau.

Anh sẽ nhớ mãi, em thích móc phía trên.

Sau cùng, là thẻ sinh viên của anh ở đại học Giao thông.

Đó là rất nhiều ngày tháng sưởi ấm cho nhau, từng dùng nó mua mấy chục tấm vé xem phim trong trường, từng vào thư viện và trung tâm tin học hơn ngàn lần. Chỗ rạp chiếu phim Trúc Bắc cũng từng mua rất nhiều vé sinh viên.

Đó là bản đồ của chung hai ta, không phải thế giới của riêng anh.

không phải thế giới của anh, luôn luôn không phải là thế giới của một mình anh.

Những thứ đã từng quan trọng, anh cũng sẽ không quên một thứ nào.

Mỗi lần anh ôm lấy chiếc gối đêm qua, nhắm mắt lại,

hương vị của em, sự đầy đặn của em, tiếng cười vui đáng yêu của em,

đều sẽ xuất hiện trong giấc mơ anh.

Anh rất yêu em.

Khi em bắt đầu quên dần những ký ức về hai đứa, chỉ cần vẫn nhớ một điều này là đủ.

Chồng.

Thằng cha nghèo mãi mãi ra sức

Vẫy tay phía sau bến xe Tân Trúc.


Phan_14 end
Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .
Polaroid